Giai đoạn sau 1975 Tân_nhạc_Việt_Nam

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước nền tân nhạc Việt Nam có nhiều thay đổi thăng trầm. Để xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, Việt Nam đã tiến hành cuộc cách mạng văn hoá tư tưởng và đấu tranh cải tạo công thương nghiệp, cải cách ruộng đất.

Giai đoạn 1975-1996

Trong nước

Nhạc sĩ An Thuyên

Trong nước các dòng nhạc vàng bị cấm hoàn toàn vì không phù hợp với chủ trương, các ca sĩ nhạc vàng được khuyến khích chuyển sang hát nhạc truyền thống cách mạng (nhạc đỏ), các bài hát lạc quan. Nhiều ca sĩ & nhạc sĩ Việt Nam phải vượt biên sang định cư tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác. Nhiều bài hát tiền chiến và tình ca bị hạn chế lưu hành. Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Tuy nhiên dòng nhạc quê hương mang màu sắc lạc quan vẫn được khuyến khích. Một số nhạc sĩ nhạc vàng chuyển sang sáng tác nhạc quê hương, như Trần Thiện Thanh với Chiếc áo bà ba, Trúc Phương với Chín dòng sông hò hẹn, Tô Thanh Tùng với Tình cây và đất, các sáng tác của Thanh Sơn.

Đề tài sáng tác chủ yếu trong giai đoạn này là:

  • Ca ngợi lãnh tụ Hồ Chí Minh: có các bài hát tiêu biểu như: Viếng lăng Bác (Hoàng Hiệp), Miền Nam Nhớ mãi ơn người (Lưu Cầu), Lời Bác dặn trước lúc đi xa (Trần Hoàn)...
  • Ca ngợi Đảng: Huyền diệu, Đảng đã cho ta một mùa xuân...
  • Ca ngợi chiến công lẫy lừng của cuộc kháng chiến như: Dáng đứng Bến Tre, 40 thế kỷ cùng ra trận, Tổ quốc yêu thương,...
  • Tình yêu quê hương đất nước và tình yêu lứa đôi: Quê hương (Giáp Văn Thạch; phổ thơ Đổ Trung Quân), Đất nước lời ru (Văn Thành Nho), Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng), Huyền thoại Mẹ (Trịnh Công Sơn), Bài ca không quên (Phạm Minh Tuấn), Thuyền và biển (Phan Huỳnh Điểu), Gửi em chiếc nón bài thơ (Lê Việt Hòa), Giai điệu Tổ quốc (Trần Tiến)...
  • Ca ngợi và phát động các phong trào lao động tập thể như Thanh niên xung phong: Đêm rừng Đắc Min (Nguyễn Đức Trung), Em ở nông trường anh ra biên giới (Trịnh Công Sơn), Huyền thoại Hồ núi Cốc (Phó Đức Phương), Trị An âm vang mùa xuân, Tàu anh qua núi, Đêm thành phố đầy sao, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Mùa xuân từ những giếng dầu...

Các nhạc sĩ tiêu biểu trong giai đoạn này là: Diệp Minh Tuyền, Trần Long Ẩn, Thế Hiển, Nguyễn Nam, Nguyễn Văn Hiên, An Thuyên, Phó Đức Phương, Phong Nhã, Trần Tiến...

Đặc biệt Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Trần Tiến chịu ảnh hưởng của phong trào du ca trước năm 1975 nên đã có nhiều sáng tác mới lạ thời bấy giờ nên được công chúng yêu nhạc đón nhận với các ca khúc: Mặt trời bé con, Tuỳ hứng lý qua cầu, Tạm biệt chim én...

Các ca sĩ thành danh như: Cẩm Vân, Bảo Yến, Nhã Phương, Quang Lý, Tuấn Phong, Cao Minh, Thế Hiển, Trần Tiến...

Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ. Hội âm nhạc Việt Nam được thành lập. Hằng năm đều tổ chức nhiều chuyến du khảo hội trại sáng tác theo những chủ đề do nhà nước đặt hàng.

Các trường âm nhạc, văn hoá nghệ thuật được quan tâm thành lập tuy nhiên chỉ mới dừng lại ở quy mô dạy dòng nhạc thính phòng cỏ điển và âm nhạc tuyên truyền.

Nhiều văn nghệ sĩ có cơ hội giao lưu học tập tại Liên Xô (Nga) đã du nhập nhiều bản nhạc Liên Xô được hát bằng tiếng Nga hoặc dịch ra lời Việt: Một triệu đoá hoa hồng (Cẩm Vân trình bày), Chiều hải cảng, Đôi bờ, Chiều Matxcơva, Cây thuỳ dương.

Sau Đại hội Đảng lần VI đề ra chủ trương đổi mới tư duy, xoá bao cấp,văn hoá nghệ thuật được cởi mởĐài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) đã tổ chức các cuộc thi tiếng hát truyền hình tạo cơ hội cho nhiều ca sĩ trẻ thành danh như: Như Quỳnh, Như Hảo, Thanh Thuý, Tạ Minh Tâm...

Hội thi tiếng hát Hoa Phượng Đỏ dành cho lứa tuổi học sinh.

Tại miền nam nhiều bài hát từ các nước phương Tây được các ca sĩ trình bày lời ngoại ngữ và lời việt(do Khúc Lan dịch): Tình cha (Phương Thảo)... Đặc biệt là phong trào hát nhạc Hoa lời Việt với các ca sĩ: Minh Thuận, Nhật Hào, Tú Châu, Lam Trường...

Nhạc chịu ảnh hưởng của ca trù được cho phép.

Nhạc tình ca (còn gọi là nhạc sến do đa số viết theo điệu B'lero và có giai điệu buồn với nội dung chủ yếu là mô tả tâm trạng thất tình) được tiếp tục phát triển với các nhạc sĩ như: Vinh Sử, Hàng Châu... với các giọng ca: Đình Văn, Ngọc Sơn, Chế Thanh, Thuỳ Dương...

Nhiều Trung tâm băng nhạc được thành lập như: Bến Thành Audio, Sài Gòn Audio, Kim Lợi Studio...

Hải ngoại

Bài chi tiết: Nhạc hải ngoại
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương

Các nhạc sĩ của Sài Gòn sau 1975 định cư tại nước ngoài vẫn tiếp tục sáng tác và cùng với những nhạc sĩ trẻ hơn đã tạo nên dòng nhạc hải ngoại.

Tại hải ngoại củng xuất hiện nhiều trung tâm phát hành băng đĩa nhạc như: ASIA, Thúy Nga, Vân Sơn, Làng Văn... Tuy nhiên, những ca khúc được trình diễn trong các chương trình đại nhạc hội của các trung tâm này thường thu hẹp trong phạm vi nhạc phổ thông, nhạc trẻ chiều theo thị hiếu. Các nhạc sĩ độc lập không thuộc các trung tâm trên hoặc thuộc dòng nhạc khác, rất khó và thiếu điều kiện để phổ biến sáng tác của mình trong cộng đồng người Việt hải ngoại.

Những nhạc sĩ tên tuổi đầu tiên rời Việt Nam khoảng cuối năm 1975. Trong những năm đầu, một chủ đề sáng tác chính của họ là nỗi nhớ quê hương và Sài Gòn như Nam Lộc với Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt, Khi xa Sài Gòn của Lê Uyên Phương, Đêm nhớ về Sài gòn của Trầm Tử Thiêng... Chủ đề thân phận lưu vong cũng được nói đến với Tị nạn ca của Phạm Duy, Người di tản buồn của Nam Lộc, Ai trở về xứ Việt của Phan Văn Hưng, Một chút quà cho quê hương của Việt Dũng... Một chủ đề phổ biến nữa là "phục quốc kháng chiến" nói lên mong muốn được quay trở lại miền Nam của ca sĩ Nguyệt Ánh.

Từ khoảng đầu thập kỷ 1980, một số nhạc sĩ sau thời gian cải tạo tại Việt Nam ra định cư ở nước ngoài. Họ viết nhiều ca khúc tả lại thời gian cải tạo ở Việt Nam như Hà Thúc Sinh với tập Tiếng hát tủi nhục năm 1982, Châu Đình An với Những lời ca thép năm 1982... Phạm Duy cũng sáng tác 20 bài lấy tựa là Ngục ca phổ từ thơ của Nguyễn Chí Thiện trong tập thơ Tiếng vọng từ đáy vực

Giai đoạn 1996 đến nay

Hải ngoại

Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm

Đến giữa thập niên 1980, sau khi nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách Đổi mới, các nhạc sĩ bắt đầu bỏ chủ đề "phục quốc kháng chiến" quay lại viết các bản tình ca. Ở giai đoạn này, những nhạc sĩ tiêu biểu có thể kể đến Đức Huy với "Và Con Tim Đã Vui Trở Lại", "Đừng Xa Em Đêm Nay", Trần Quảng Nam với "Mười Năm Tình Cũ", Hoàng Thanh Tâm với "Tháng Sáu Trời Mưa", Trúc Hồ với "Trái Tim Mùa Đông", Ngọc Trọng với "Buồn Vương Màu Áo", Trịnh Nam Sơn với "Dĩ vãng", "Quên Đi Tình Yêu Cũ"... Ngô Thụy Miên tại hải ngoại cũng có nhiều sáng tác, trong đó nổi tiếng hơn cả là Riêng một góc trời viết năm 1997.Kể từ khi trong nước đổi mới các ca sĩ & nhạc sĩ ở hải ngoại được về nước biểu diễn đã tạo nên sự giao thoa (trao đổi nghệ thuật) về âm nhạc giữa trong và ngoài nước, có nhiều ca khúc trong nước được các ca sĩ hải ngoại biểu diễn rất thành công và ngược lại. Nhiều ca sĩ trẻ nổi danh như: Lưu Bích, Như Quỳnh, Quang Lê, Trần Thái Hoà, Ngọc Hạ, v.v...Tuy nhiên phần nhiều ca khúc hải ngoại vẩn là nhạc ngoại quốc (lời Việt)

Trong nước

Mỹ Tâm trình diễn trong đêm nhạc MTV EXIT, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 26 tháng 5 năm 2012.[2]

Trong nước vẫn tiếp tục dòng nhạc được phân chia theo phong cách thính phòng, dân gian và nhạc nhẹ. Theo phong cách thính phòng chủ yếu là các nhạc sĩ đã qua thời tiền chiến, kháng chiến và số ít nhạc sĩ trẻ, vẫn chịu ảnh hưởng nhiều của nhạc cổ điển. Dòng phong cách dân gian được tiếp nối bởi một số nhạc sĩ trẻ, bao gồm cả các nhạc sĩ thế hệ trước như Phó Đức Phương, An Thuyên, Nguyễn Tiến, Đoàn Bổng...Dòng dân gian nhiều tác giả theo đuổi "dân gian đương đại" như Trần Tiến, Nguyễn Cường, Lê Minh Sơn (pha trộn nhiều hơn phong cách nhạc nhẹ hoặc thính phòng, có tính hiện đại hơn). Dòng phong cách nhạc nhẹ ngoài các sáng tác ảnh hưởng ít nhiều của thính phòng, thì đa phần nghiêng về chủ yếu là pop và rock, chịu ảnh hưởng nhiều của nhạc trẻ phương Tây, và nhạc trẻ thường hay được dùng để tách khỏi nhạc nhẹ, giai điệu sôi động, trẻ trung và mang tính bình dân hơn. Ngoài ra còn có Chillout, Acoustic, Jazz/Blues, R&B, world music, dân gian đương đại...Những thử nghiệm nhạc mới du nhập thường hay được đánh giá trái chiều, như "hội nhập" hay "lai căng", nghệ thuật hay mang tính thị trường.

Vào năm 1996 bắt nguồn từ giải thưởng âm nhạc "Làn sóng Xanh" do đài tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. người đoạt giải là ca sĩ Lam Trường với ca khúc "Tình thôi xót xa" Bảo Chấn khiến cho trào lưu nhạc trẻ ra đời với hàng loạt ca khúc thành công sau đó như: Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Bên em là biển rộng, Giọt sương trên mí mắt, Hôn môi xa, Tình em ngọn nến... góp phần đưa hàng loạt ca sĩ trẻ nổi danh như: Phương Thanh, Mỹ Tâm, Đan Trường, Cẩm Ly, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Quang Linh, Quang Dũng, Đức Tuấn, Tuấn Hưng, Đàm Vĩnh Hưng...

Nhạc sĩ trẻ Hoài An đoạt giải thưởng từ cuộc thi sinh viên với bài hát "Tình thơ" với phần hòa âm mới lạ hiện đại lúc bấy giờ đã làm thay đổi quan điểm âm nhạc Việt Nam: Phần nhạc dạo đầu bài hát và phần hòa âm phối khí được chú trọng hơn so với trước đây làm cho ca khúc Việt Nam trở nên hiện đại hơn, hay hơn.

Tại Việt Nam, đã xuất hiện nhiều nhạc sĩ làm nhiệm vụ hòa âm phối khí như: Quốc Trung, Mạnh Trinh, Đức Trí, Hoài Sa, Dương Cầm... Nghề mix nhạc (DJ) cũng xuất hiện.

Bên cạnh đó dòng nhạc dân ca phát triển mạnh mẽ: Vọng cổ buồn, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Quê tôi mùa nước lũ,... thể hiện thành công nhất là ca sĩ Cẩm Ly

Vài ca sĩ Việt Nam có hoài bão vươn ra thị trường âm nhạc thế giới và đã đạt được một số thành công ban đầu: Ca sĩ Mỹ Tâm được đài truyền hình ABC xếp hạng 6 trong số các ca sĩ châu Á thành công nhất; Hồ Quỳnh Hương đoạt giải Huy chương vàng Liên hoan âm nhạc tại Bình Nhưỡng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tân_nhạc_Việt_Nam http://208.179.96.115/nguoitinhgia/document/tannha... http://www.trinh-cong-son.com/phduy2.html http://vietsciences.free.fr/lichsu/lichsutannhacvn... http://vietsciences.free.fr/lichsu/lichsutannhacvn... http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2006/11/05/... http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan... http://www.tienve.org/home/music/viewMusic.do;jses... http://www.culturalprofiles.org.uk/Viet_Nam/Direct... http://www.nhaccodien.vn/tabId/69/ItemId/654/PreTa... http://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/73880/my-tam-dot-...